Nhận biết các triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em và hướng xử lý kịp thời

quantrigmc2022 |
01/04/2022

Các cách điều trị triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em kịp thời, hiệu quả. Các cha mẹ nên tìm hiểu sớm.

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, con trẻ thường không diễn đạt được tình trạng bệnh của mình khiến bệnh tình trở nặng. Vậy có những triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em nào giúp mẹ dễ dàng nhận biết? Cách xử lý như thế nào? Cha mẹ hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.

Trẻ em có bị mắc trào ngược dạ dày không?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng acid dạ dày và thức ăn thường bị đẩy ngược lên trên thực quản. Đây là tình trạng xảy ra ở cả người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trào ngược dạ dày xảy ra ở cả người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trào ngược dạ dày ở trẻ em có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà ảnh hưởng lên sức khỏe và sự phát triển của trẻ:

Trào ngược sinh lý: Thường xảy ra trên các trẻ dưới 6 tháng do dạ dày của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, dung tích nhỏ. Hơn nữa, nó lại nằm ở vị trí cao hơn so với người lớn và cơ vòng thực quản cũng chưa đóng mở hiệu quả nên trẻ dễ bị trào ngược. Tình trạng này sẽ giảm dần khi trẻ 1 tuổi. Ngoài ra, cho trẻ bú sai tư thế, trẻ nằm nhiều cũng gây trào ngược ở trẻ.

Trào ngược do thức ăn: Thức ăn của trẻ chủ yếu ở dạng lỏng, mềm nên rất dễ qua các khe hở của cơ vòng thực quản. Trẻ uống sữa công thức dễ bị trào ngược hơn so với bú sữa mẹ. Do sữa công thức là sữa bò tiêu hóa chậm hơn nên nằm lâu trong dạ dày hơn. Ngoài ra, thức ăn cay nóng, đồ uống có gas cũng khiến trẻ bị trào ngược, ợ hơi…

Trào ngược do bệnh lý: Trẻ mắc các dị tật bẩm sinh như: thoát vị cơ hoành, sa dạ dày làm cho cơ vòng thực quản bị yếu, thức ăn trong dạ dày bị trào ngược lên trên. Các triệu chứng trào ngược thường xuất hiện khi trẻ lên 1 tuổi. Đồng thời trong trường hợp trào ngược do bệnh lý, mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để kịp thời điều trị.

Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em có thể có nhiều biểu hiện khác nhau. 

1. Triệu chứng ở trẻ bị trào ngược dạ dày sinh lý

Trào ngược do sinh lý thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi. Những triệu chứng trào ngược thực quản ở trẻ sơ sinh dễ nhận biết bao gồm trẻ nôn, trớ ra sữa ở cả miệng và mũi, kể cả khi không bú no. Trẻ cũng thường xuyên quấy khóc, đêm ngủ không ngon giấc do nôn trớ nhiều khiến trẻ đói bụng.

Trẻ bị trào ngược sinh lý khiến trẻ nôn trớ nhiều

Khi mắc phải chứng trào ngược sinh lý, trẻ vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, trẻ có thể bị chậm tăng cân hay ốm nếu tình trạng nôn trớ kéo dài, không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

2. Triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em do bệnh lý

Bên cạnh đó, triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh do bệnh lý thường có các triệu chứng như bỏ bú, nôn trớ nhiều lần trong ngày, thường xuyên khò khè, chậm tăng cân và suy dinh dưỡng.

Ở trẻ lớn hơn, trẻ có thể mô tả được các triệu chứng như nóng rát phía sau xương ức, kèm ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và nôn mửa. Đôi khi trẻ có thể bị đau họng, khó nuốt, dẫn đến tình trạng chán ăn, bỏ bữa. 

Trào ngược do bệnh lý khiến trẻ bị nóng rát vùng cổ họng và sau xương ức 

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu ho, khò khè, có khi thở tím tái thì cần đưa trẻ nhập viện để theo dõi và điều trị ngay. Đây có thể là dấu hiệu bệnh diễn biến trở nặng, thậm chí có biến chứng trào ngược vào phổi trẻ.

Điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ em

Hội chứng trào ngược ở trẻ em có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, cha mẹ có thể áp dụng ngay một số biện pháp điều trị ngay dưới đây:

1. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi

Một số biện pháp giúp ngăn chặn triệu chứng trào ngược thực quản ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và cả trẻ sơ sinh dễ thực hiện tại nhà như:

  • Cho trẻ bú thành nhiều cữ/ngày, mỗi cữ nên bú khoảng 30-60ml sữa. Nếu trẻ bú nhiều và no bụng, không nên cho trẻ nằm ngay để tránh trẻ bị nôn trớ sữa.
  • Cha mẹ có thể pha sữa công thức đặc hơn, hoặc sữa mẹ có pha thêm bột gạo hoặc bột ngũ cốc. Điều này sẽ giúp lượng sữa bú vào ít đi, hạn chế triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em. Tuy nhiên cha mẹ cần tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp này.
  • Sau khi cho bé ăn xong, các bậc phụ huynh nên đặt con ở tư thế đầu cao hơn với giường khoảng 30о, để hạn chế tình trạng trào ngược.

Cho trẻ bú thành nhiều cữ trong ngày để hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày

2. Trẻ từ 2 tuổi trở lên

Đối với trẻ lớn tuổi hơn, cần kiểm soát lượng thức ăn cho trẻ ăn hàng ngày. Không nên ăn các thức ăn cay nóng, nhiều acid, hạn chế uống các đồ uống có gas… vì sẽ làm tình trạng trào ngược nặng nề hơn

Ngoài ra, một số trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, khi uống sữa công thức thường bị nôn, trào ngược. Trường hợp này cha mẹ nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để đưa ra loại sữa phù hợp hơn cho con. Đặc biệt, nếu trẻ bị trào ngược dạ dày do bệnh lý, cần phải được điều trị cả nguyên nhân lẫn triệu chứng trào ngược, tránh gây biến chứng nặng nề.

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ em, cha mẹ có thể nhận biết nhanh tình trạng của con trẻ tại nhà để có các biện pháp xử lý kịp thời. Nếu còn bất kỳ thắc mắc, quý độc giả vui lòng liên hệ đến số hotline 0386.673.836 hoặc truy cập trang web tại đây để được tư vấn và giải đáp kịp thời.