5 dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em và cách điều trị

quantrigmc2022 |
04/04/2022

Trẻ nôn trớ nhiều có phải là bị trào ngược dạ dày hay không? Dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em phổ biến nhất là gì? Tìm hiểu trong bài viết chi tiết sau.

Trẻ thường xuyên bị ọc sữa sau ăn là tình trạng sinh lý bình thường hay dấu hiệu cảnh báo trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ? Đó là nỗi băn khoăn và lo lắng của rất nhiều bậc cha mẹ. Bài viết sau sẽ nêu rõ 5 dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em phổ biến nhất để cha mẹ tham khảo. Cùng tìm hiểu nhé!

Những dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ có phải là bệnh không?

Những dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vừa có thể là tình trạng sinh lý bình thường, vừa có thể là biểu hiện của bệnh lý. Cha mẹ cần quan sát kĩ để phân biệt hai tình trạng này.

Phân biệt trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý:

  • Trào ngược sinh lý: Đa phần xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trong độ tuổi này, cơ quan tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non nớt, chưa phát triển hoàn thiện, do đó trẻ rất dễ bị ọc sữa sau khi ăn.
    Tuy nhiên trẻ vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường, không quấy khóc và vẫn lên cân đều. Khi trẻ càng lớn (thường là trên 1 tuổi) thì tình trạng nôn trớ cũng sẽ giảm bớt và mất hẳn.
  • Trào ngược bệnh lý: Cha mẹ có thể nhận ra tình trạng bệnh lý khi trẻ đã hơn 1 tuổi nhưng còn thường xuyên bị nôn trớ. Kèm theo đó, trẻ gầy gò, ăn kém, chậm tăng cân, thở khò khè,… Lúc này, phụ huynh nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

Trẻ có thể bị ọc sữa lên cả mũi và miệng khi bị trào ngược dạ dày 

Nếu trẻ bị trào ngược sinh lý, tình trạng này sẽ hết khi trẻ lớn lên. Còn nếu bạn vẫn đang nghi ngờ không biết trẻ có bị trào ngược bệnh lý hay không, mời bạn đọc những dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày dưới đây.

Dấu hiệu bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ em

Trẻ bị trào ngược dạ dày dễ dàng nhận biết qua một số dấu hiệu như:

1. Nôn trớ sữa

Đây là dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em phổ biến và dễ thấy nhất. Trẻ bị nôn hoặc ọc sữa nhiều, có thể lên cả mũi và miệng. Với các trẻ lớn hơn, trẻ dễ dàng bị nôn trớ sau khi vừa ăn xong mà không cần bất cứ tác nhân nào tác động vào.

2. Trẻ thường xuyên quấy khóc cả ngày đêm

Tình trạng trào ngược có thể xảy ra ngay cả vào ban đêm, khi trẻ đi ngủ, điều đó khiến trẻ khó chịu, quấy khóc. Trẻ có thể đang ngủ lại đột nhiên quấy khóc khiến bố mẹ lo lắng và mất ngủ.

Trào ngược khiến trẻ khó chịu và quấy khóc nhiều vào ban đêm

3. Chậm tăng cân

Chậm tăng cân cũng là một dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Tình trạng trào ngược acid dịch vị kéo dài khiến các cơ quan trong hệ tiêu hóa hoạt động kém đi do bị kích thích nhiều lần. Bởi vậy, các chất dinh dưỡng kém được hấp thu, đôi khi chưa được hấp thu đã bị tống ra ngoài do nôn trớ, khiến trẻ chậm tăng cân rõ rệt.

4. Đau phía sau xương ức, kèm ợ nóng

Đây là triệu chứng điển hình nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, cảm giác nóng rát là do acid gây ra. Cha mẹ có thể hỏi trẻ lớn để xác định chắc chắn. Lưu ý, tình trạng này sẽ nặng thêm nếu cha mẹ để trẻ nằm ngay sau khi ăn.

5. Khó thở, ho, thở khò khè

Các rối loạn hệ hô hấp được xem là hệ lụy của trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân là do acid trào ngược lên hầu họng gây kích thích đường thở. Tình trạng này không thể chữa khỏi bằng những thuốc ho thông thường.

Trẻ ho và bạn có thể nghe thấy những tiếng thở khò khè rất rõ

Khi nào thì cho trẻ có dấu hiệu mắc trào ngược dạ dày đi khám bác sĩ?

Khi thấy các dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em, nhất là dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể thực hiện một số phương pháp để khắc phục. Một số giải pháp được khuyến khích bao gồm vỗ lưng ợ hơi cho trẻ sau khi ăn, đặt đầu trẻ nghiêng 1 góc cao 30 độ khi bú, cho trẻ bú sữa đặc hơn,…

Cha mẹ nên cho trẻ đi khám nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà tình trạng của trẻ vẫn không đỡ, hoặc trẻ chuyển từ trớ sữa, ọc sữa sang nôn ói (nôn mạnh hơn, có thể phun, vọt mạnh), hoặc trẻ chậm tăng cân, gầy gò, ốm yếu,… Cha mẹ cần lựa chọn những cơ sở khám chữa bệnh uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm để trẻ được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.

Cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Như đã nói ở trên, với tình trạng trào ngược sinh lý hoặc những triệu chứng trào ngược còn nhẹ, cha mẹ hoàn toàn có thể thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ điều trị cho bé tại nhà. Ngoài ra, để cải thiện nhanh chóng các dấu hiệu trào ngược trào ngược dạ dày ở trẻ em, cha mẹ nên áp dụng các cách sau:

Chia nhỏ bữa ăn

Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên chia thành nhiều cữ bú, mỗi cữ chỉ cho trẻ uống từ 30 – 60ml sữa. Với trẻ lớn hơn, bạn cũng cần chia nhỏ các bữa ăn, tránh để trẻ ăn quá no vì khi dạ dày co bóp sẽ khiến thức ăn dễ trào ngược lên thực quản hơn.

Làm sữa đặc hơn

Vì thức ăn lỏng dễ bị trào ngược hơn những thức ăn rắn nên cha mẹ có thể dùng một số phương pháp như pha sữa đặc hơn hoặc thêm bột gạo, bột ngũ cốc vào trong sữa. Ngoài ra, phương pháp này cũng khiến thể tích thức ăn trong dạ dày giảm, hạn chế trào ngược dịch dạ dày lên thực quản.

Mẹ nên cho trẻ bú sữa đặc hơn để cải thiện tình trạng trào ngược

Đổi loại sữa

Một số trẻ không bú mẹ mà dùng sữa công thức. Đối với trường hợp này, các mẹ cần để ý xem trẻ có bị dị ứng với đạm sữa bò hay không. Nếu có, mẹ hãy đổi cho trẻ loại sữa khác phù hợp hơn.

Thay đổi các thói quen sinh hoạt

Một phương pháp rất quan trọng đó là thay đổi những thói quen xấu của trẻ như vừa nằm vừa ăn, nằm ngay sau khi ăn,… Ở trẻ sơ sinh, sau mỗi bữa ăn bạn nên vỗ lưng ợ hơi cho trẻ. Khi cho bú cũng nên đặt đầu bé nằm cao hơn 1 góc khoảng 30 độ so với thân.

Với trẻ lớn hơn thì hạn chế một số đồ ăn dễ gây trào ngược như đồ dầu mỡ chiên xào, đồ uống có ga, bạc hà, chocolate,… Cha mẹ cũng không nên để trẻ mặc đồ bó chật, đặc biệt là vùng bụng.

Dùng thuốc

Nếu trẻ nôn trớ quá nhiều, cha mẹ có thể xem xét đến việc cho trẻ dùng thuốc để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn kỹ và biết cách sử dụng đúng.

Trên đây là bài viết về các dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em. Hy vọng qua bài viết này, các mẹ sẽ có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe cho bé tốt hơn.

Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến dấu hiệu trào ngược dạ dày ở trẻ em, độc giả vui lòng liên hệ hotline 038.667.3836 hoặc truy cập tại đây để được tư vấn và giải đáp.